Hội nhập quốc tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015
Cùng với cả nước, giai đoạn 2011-2015, nền kinh tế Lâm Đồng đã có những bước phát triển cơ bản ổn định, tác động tích cực đến tiến trình hội nhập quốc tế của tỉnh, góp phần mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực và tạo được nhiều cơ hội.
Để đẩy mạnh hoạt động về hội nhập quốc tế, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động chung và được cụ thể hóa ở từng lĩnh vực, ngành có liên quan; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xác lập bản quyền, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế… cho cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị, các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hội nhập văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt được nhiều thành tích cao so với mặt bằng chung của cả nước. Các chương trình y tế được triển khai tích cực. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách,... Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Các lĩnh vực thông tin và truyền thông, tài nguyên và môi trường, khoa học - công nghệ cũng đã có nhiều hoạt động chuyên ngành góp phần đưa nền kinh tế Lâm Đồng từng bước hội nhập quốc tế.

Cuộc họp về Hội nhập quốc tế năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng
Hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Tiềm lực trong khu vực phòng thủ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc.
Một số thách thức
Mức độ nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp còn thấp nên chưa nắm bắt được những cơ hội, thách thức của việc hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh; lãnh đạo doanh nghiệp phần lớn chưa nắm rõ những tác động của vấn đề hội nhập quốc tế đối với hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2015 của Sở Công Thương, tỷ lệ thanh niên không quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế khá cao (21,26% số người được điều tra), phần đông có biết nhưng chưa hiểu đầy đủ (74,27% số người được điều tra). Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ có sự chênh lệch giữa vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng đô thị; giảm nghèo chưa thật bền vững, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

.
Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của tỉnh phải cạnh tranh về chất lượng và giá cả, có thể tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự báo trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều các nhà đầu tư nước ngoài vào Lâm Đồng, do đó việc tự do hóa đầu tư sẽ đặt doanh nghiệp đứng trước thách thức quản lý để kiểm soát dòng vốn
ra/vào của đối tác. Làn sóng đầu tư cũng thách thức các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và các địa phương về năng lực quản trị công để có thể quản lý đối tượng có trình độ cao. Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hoàn tất mục tiêu tự do lưu chuyển lao động, nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, lao động của địa phương với tay nghề kém, thiếu các kỹ năng cần thiết (ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp…) có thể sẽ gặp khó khăn lớn.
Ngoài ra, Lâm Đồng cũng phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, an ninh mạng, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, vấn đề người di cư, già hóa dân số, tầng lớp trung lưu gia tăng,...
Trong giai đoạn 2016-2020, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Lâm Đồng sẽ gặp phải sức ép cạnh tranh không nhỏ từ các nước ASEAN và các nước láng giềng trong khu vực châu Á.
Kế hoạch hành động về hội nhập quốc tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020
Ngày 12/10/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 6269/KH-UBND về việc triển khai thực hiện công tác hội nhập quốc tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020 với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức về hội nhập quốc tế trên các phương tiện truyền thông; đặc biệt chú trọng đến các Hiệp định về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của địa phương.
- Xây dựng, chuẩn hóa và ổn định các cơ chế, chính sách ưu đãi trong các lĩnh vực đầu tư, tài nguyên môi trường, xuất nhập khẩu, tài chính, thuế phí, chính sách về thị trường lao động, kiểm soát thị trường... phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã cam kết. Hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Tăng cường phòng vệ thương mại nhằm kiểm tra, kiểm soát, cảnh báo, tư vấn cho doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, lao động, dạy nghề, y tế và các lĩnh vực khác nhằm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
- Duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác truyền thống; thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam để kết nối với các địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế khác nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác, thu hút các nhà đầu tư tới tỉnh Lâm Đồng.
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng của Đảng và Nhà nước; triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị; gắn phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh dựa trên nền tảng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.