Theo thông lệ, vào dịp đầu năm mới, các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra các báo cáo nhận định và dự báo về tình hình kinh tế thế giới, khu vực và từng nước trong năm mới 2019 và các năm tiếp theo. Về tình hình tăng trưởng kinh tế thế gới, năm 2018 được coi là kém hơn so với năm 2017, do bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nội bộ châu Âu chia rẽ, bất đồng giữa các nước lớn vẫn chưa được giải quyết, các cuộc xung đột địa - chính trị vẫn đang tiếp diễn... Xu hướng này được dự báo vẫn tiếp tục trong hai năm năm 2019 và 2020. Do vậy, các tổ chức như UN, WB, IMF, OECD và ABD đều cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2019 đối mặt với nhiều khó khăn và triển vọng tăng trưởng kém hơn so với năm 2018. Cụ thể, UN cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 giảm xuống còn 3,0%, tỷ lệ này của WB là 2,9%, IMF và OECD cùng là 3,5%.
Đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế là rất rõ ràng, đặc biệt ở các nước phát triển, thông qua các ngành công nghiệp và dịch vụ thâm dụng tri thức và công nghệ (KTI), sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (HT). Các ngành KTI là các ngành có liên quan mật thiết tới hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) - là hoạt động hoàn thiện hoặc tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, lĩnh vực kinh doanh mới cũng như tạo việc làm mới. Các ngành công nghiệp KTI chiếm 31,37% (tương đương 23,58 nghìn tỷ USD) GDP toàn cầu năm 2016, so với 30,09% năm 2015, 30,05% năm 2014, 29,28% năm 2011. Xu hướng đóng góp ngày càng tăng của các ngành công nghiệp KTI vào GDP là rất rõ ràng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.