Cá Chiên là một trong những loài cá bản địa có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, đòng thời có giá trị kinh tế cao với nguồn cá thương phẩm chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Ở khu vực Tây Nguyên, cá Chiên được khai thác tự nhiên từ lưu vực Sông Srêpôk thuộc địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với giá bán từ 200.000 - 400.000 đồng/kg cá thương phẩm. Hiện nay do việc hình thành các hệ thống hồ chứa thủy điện và sử dụng các công cụ khai thác không đúng cách đã làm cho nguồn lợi cá Chiên ngày càng cạn kiệt. Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang người dân đã bắt đầu chú trọng đến việc nuôi cá Chiên trong lồng mang tính mùa vụ với nguồn cá giống khai thác ngoài tự nhiên càng làm cho nguồn lợi cá Chiên cạn kiệt. Trong khi đó sản lượng cá Chiên khai thác ở lưu vực sông Srêpôk ngày càng giảm và tầng suất bắt gặp loài cá này trong các mẻ khai thác của ngư dân đã và đang giảm thấp. Tại địa bàn các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông phần lớn cá Chiên được khai thác tự nhiên được thu mua phục vụ cho các nhà hàng, nhưng sản lượng ngày càng giảm thấp trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.
Cá Chiên là loài cá nằm trong sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) ở mức đang bị đe dọa, trong khi đó các nghiên cứu về cá Chiên trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn rất hạn chế. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào tìm hiểu các đặc điểm phân loại, phân bố và đặc điểm sinh học với mục đích hoàn thiện thông tin về cá Chiên, góp phần trong công tác bảo tồn nguồn lợi. Nghiên cứu về sản xuất con giống nhân tạo và nuôi thương phẩm loài cá này là rất ít và chưa được công bố rộng rãi. Việt Nam là một trong những nước lần đầu nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chiên. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống cá Chiên (Bagarius rutilus)” được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010 của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã đánh dấu những thành công bước đầu trong sản xuất giống nhân tạo cá Chiên. Những thành công bước đầu của đề tài đã mở ra một hướng mới cho nghề nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, chủ động được nguồn con giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm nhằm mở rộng và phát triển nuôi đối tượng cá có giá trị kinh tế. Đề tài là cơ sở tham khảo cho việc nghiên cứu phát dục và sinh sản nhân tạo loài cá Chiên Bagarius yarrelli, loài cá Chiên phân bố tự nhiên ở lưu vực sông Srêpốk có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Lâm Đồng là một trong những tỉnh Tây Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt với đa dạng về diện tích, loại hình mặt nước, hình thức nuôi và các vùng sinh thái nuôi thủy sản khác nhau. Nuôi trồng thủy sản của tỉnh Lâm Đồng đã và đang phát triển mạnh trong những năm trở lại đây và tập trung ở các huyện như Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh. Đối tượng nuôi cũng khá đa dạng, bên cạnh các loài cá truyền thống như Trắm cỏ, Chép, Trôi, Rô phi, Mè trắng, Mè hoa,… thì các đối tượng có giá trị kinh tế cao cũng đã được nuôi thử nghiệm và nhân rộng như cá Tầm, cá Hồi, cá Chình,… Ngoài ra, cá Chiên cũng đã được nuôi thương phẩm ở Lâm Đồng từ năm 2011 và sau đó đề tài “Hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá Chiên năm 2012-2013” được Công ty TNHH Tầm Việt thực hiện cho thấy cá sinh trưởng tốt và sản phẩm được thị trường khá ưa chuộng.
Vì vậy, việc nghiên cứu phát dục và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá Chiên trên địa bản tỉnh Lâm Đồng là cần thiết, nhằm xác định khả năng sản xuất giống nhân tạo cá Chiên, một loài cá bản địa của tỉnh Lâm Đồng, làm cơ sở cho việc nghiên cứu nuôi thương phẩm loài cá này và khả năng đưa loài cá này trở thành đối tượng nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu đề tài có ý nghĩa về mặt khoa học và một phần về kinh tế, là cơ sở để tiếp tục các nghiên cứu tiếp theo về khả năng nhân rộng mô hình sản xuất giống và nuôi cá Chiên đem lại hiệu quả kinh tế trong tương lai.