Nấm Linh chi Tím (Ganoderma neo-japonicum Imaz.) với công dụng vị ngọt, tính ngọt, không độc, trị đau nhức khớp xương, gân cốt; có khả năng kháng tế bào ung thư vú, tế bào ung thư biểu mô KB (Human epidermic carcinoma). Tuy nhiên, hiện nay chủng nấm này chỉ thu hái ngoài tự nhiên, chưa nuôi trồng đại trà để thương mại hóa trên thị trường; vì vậy, nguồn gen nấm dược liệu quý này có nguy cơ cạn kiệt, tổn thất nguồn gen. Việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nấm Linh chi Tím tại Đạ Tẻh” là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng với:
MỤC TIÊU:
* Mục tiêu chung:
Lưu giữ và từng bước phát triển loài nấm Linh chi Tím, nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
* Mục tiêu cụ thể:
- Định danh chuẩn nấm Linh chi Tím
- Hoàn thiện quy trình nhân giống cấp I, cấp II nấm Linh chi Tím
- Hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm Linh chi Tím
- Nuôi trồng thử nghiệm nấm Linh chi Tím tại Đạ tẻh và Trạm thực nghiệm của Trung tâm tại Đơn Dương, mỗi địa điểm 1.000 bịch phôi.
NỘI DUNG:
* Nội dung 1: Thu thập mẫu nấm Linh chi Tím ngoài tự nhiên ở Đạ Tẻh
Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng Đạ Tẻh thu thập mẫu nấm Linh chi Tím còn tươi ngoài tự nhiên để làm vật liệu tách phân lập, tạo giống gốc ban đầu.
* Nội dung 2: Nghiên cứu phân lập, thuần khiết chủng nấm Linh chi Tím
- Nghiên cứu tách phân lập chủng nấm Linh chi Tím thu được ngoài tự nhiên trên môi trường PGA cải tiến Lê Xuân Thám, 2004.
- Thuần khiết chủng nấm Linh chi Tím tách phân lập được trên môi trường PGA cải tiến có bổ sung Streptomycin 30mg/L, Rose bengal 1:3.000 10mL/L theo Nguyễn Lân Dũng, 2004.
* Nội dung 3: Định danh bằng phương pháp hình thái và sinh học phân tử
- Nghiên cứu định danh bằng phương pháp hình thái: phân tích hình thái mẫu nấm, soi bào tử đảm dưới kính hiển vi quang học theo khóa định loại, mô tả cấu trúc bào tử của Lê Xuân Thám, 1996, 1998, 1999.
- Gửi hệ sợi nấm thuần khiết để định danh bằng sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Sinh học, Hà Nội.
* Nội dung 4: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống nấm Linh chi Tím
Hoàn thiện quy trình nhân giống cấp I:
- Khảo sát nguồn carbon (glucose, saccharose với 40g/L) đến tốc độ phát triển hệ sợi nấm.
- Khảo sát nguồn nitơ hữu cơ (pepton, cao nấm men với 1g/L) đến tốc độ phát triển hệ sợi nấm.
- Khảo sát nguồn nitơ vô cơ (NH4NO3; (NH4)2SO4 với 0,2g/L) đến tốc độ phát triển hệ sợi nấm.
- Khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ (25oC, 30oC, 35oC) đến tốc độ phát triển hệ sợi nấm.
- Khảo sát ảnh hưởng của pH (5, 6, 7, 8) đến tốc độ phát triển hệ sợi nấm.
- Xây dựng quy trình nhân giống cấp I.
Hoàn thiện quy trình nhân giống cấp II:
- Khảo sát tốc độ phát triển hệ sợi nấm trên môi trường hạt thóc.
- Khảo sát tốc độ phát triển hệ sợi nấm trên môi trường cọng khoai mì.
- Xây dựng quy trình nhân giống cấp II.
* Nội dung 5: nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm Linh chi Tím
- Khảo sát cơ chất thích hợp để nuôi trồng nấm Linh chi Tím
- Khảo sát trọng lượng bịch phôi (800g; 1.000g; 1.200g) thích hợp để nuôi trồng nấm Linh chi Tím.
- Khảo sát điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong thời kỳ ủ tơ, hình thành quả thể nấm.
- Xây dựng quy trình nuôi trồng nấm Linh chi Tím đảm bảo cơ sở khoa học.
* Nội dung 6: Nuôi trồng thử nghiệm nấm Linh chi Tím
- Nuôi trồng thử nghiệm nấm Linh chi Tím tại Trạm thực nghiệm Đơn Dương và Đạ Tẻh, mỗi địa điểm 1.000 bịch phôi nấm.
- Khảo sát, theo dõi hệ sợi nấm phát triển; điều kiện nhiệt độ, độ ẩm trong thời gian ủ tơ nấm.
- Khảo sát, theo dõi điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; đánh giá năng suất quả thể trong thời gian hình thành quả thể.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế sơ bộ.
* Nội dung 7: Tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình
Tổ chức hội thảo cho 30 lượt nông dân địa phương tham gia để nhân rộng mô hình