Những chuyển đổi này đang diễn ra một cách không đồng đều, phi tuyến tính và quỹ đạo tương lai của chúng là không chắc chắn. Tuy vậy, một điều chắc chắn là nghiên cứu KH&CN, trong xã hội tri thức, đang và sẽ ngày càng khác biệt - về cấu trúc, chức năng, ý nghĩa xã hội và chính trị, quản trị cũng như các chủ thể tham gia - so với cái được gọi là “Khoa học lớn” đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh của các quốc gia công nghiệp.
Nếu “Khoa học lớn” thực hiện nghiên cứu tương tự như một “doanh nghiệp công nghiệp”, thì các xu hướng hiện tại thực hiện nghiên cứu như một “cam kết xã hội”. Trong đó, các yếu tố trước đây bị đánh giá thấp thì giờ đây đóng vai trò quan trọng, ví dụ như sự định hướng, sự sẵn sàng và năng lực của các chủ thể tham gia nghiên cứu khoa học để đồng bộ hóa với nhau, mức độ hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc các cộng đồng riêng biệt (thường rất khác nhau về nội dung, lợi ích, ngôn ngữ và văn hóa) hay sự xuất hiện và hợp nhất của các ngành nghề mới liên kết với nhau theo những cách khác nhau trong quá trình nghiên cứu.
Những thay đổi kể trên đã đưa đến rất nhiều thách thức cho nghiên cứu KH&CN. Việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, hỗ trợ mạng lưới nghiên cứu hay củng cố cơ sở hạ tầng nghiên cứu để phát triển một nền kinh tế dựa trên khoa học năng động là không đủ. Các quốc gia cần có nhiều chính sách và biện pháp cụ thể hơn, có khả năng giải quyết các lĩnh vực thường bị bỏ qua bởi hành động chính sách, như các mô hình hành vi, những định hướng cá nhân, các động lực của tổ chức hay các mối quan hệ xã hội.