Điều trị bệnh Basedow bằng 131I có xu hướng tăng do tính hiệu quả, kinh tế của phương pháp điều trị này. Đến nay, việc tính liều 131I trong điều trị Basedow vẫn đang còn bàn cãi. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: (1) Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhân Basedow được điều trị bằng 131I và (2) Đánh giá kết quả và xác định một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị sau 6 tháng theo dõi.
Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu mô tả cắt ngang và tiến cứu ngắn hạn trên 110 bệnh nhân Basedow được điều trị bằng 131I tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Liều 131I điều trị bệnh Basedow áp dụng theo phương pháp tính liều theo hoạt độ phóng xạ cho 1 gam tuyến giáp; trọng lượng tuyến giáp được ước tính bằng khám lâm sàng và kinh nghiệm của bác sỹ điều trị
Phân tích số liệu: Tỷ lệ %, trung bình, độ lệch chuẩn, min - max được sử dụng cho thống kê mô tả. Kết quả điều trị được sử dụng như biến số đầu ra để tìm mối liên quan. Kiểm định c2, khoảng tin cậy 95% dùng so sánh sự khác biệt các tỷ lệ; kiểm định T, Anova dùng so sánh sự khác biệt các trung bình. Mô hình hồi quy logistic được sử dụng để tìm hiểu các yếu tố dự đoán kết quả điều trị. Diện tích dưới đường cong AUC, chỉ số Youden (J) được dùng để tìm độ nhạy và độ đặc hiệu các biến tiên lượng nguy cơ suy giáp sau điều trị 131I
Kết quả nghiên cứu
1) Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhân Basedow:
Các triệu chứng của hội chứng cường giáp có tỷ lệ: hồi hộp 94,5%, mệt mỏi 90,9%, run tay và sợ nóng 83,6%, vã mồ hôi 70,0%, giảm cân 55,5%, cảm giác nóng 54,5%.
Triệu chứng lồi mắt có tỷ lệ 53,6%; Tổn thương mắt theo phân loại NO SPECS: độ 0 chiếm 31,8%, độ 1: 23,6%, độ 2: 33,6%, độ 3: 9,1% và độ 4 chiếm 1,8%. Tỷ lệ phù niêm trước xương chày là 5,5%
Nồng độ TSH trung bình 0,01 ± 0,03µIU/ml; FT3 22,77 ± 15,18pmol/l; FT4: 53,85 ± 34,81 pmol/l và TRAb: 18,43 ± 13,43 IU/ml.
Thể tích tuyến giáp trên siêu âm trung bình là 25,18 ± 10,49 cm3; Tốc độ đỉnh tâm thu động mạch giáp trên là 63,54 ± 35,04 cm/s và động mạch giáp dưới là 67,31 ± 37,17 cm/s.
Độ tập trung iod thời điểm 24 giờ là 75,73 ± 13,12%.
2) Kết quả điều trị và một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị bệnh Basedow bằng 131I:
Kết quả theo dõi sau 6 tháng điều trị cho thấy 41 trường hợp trở về bình giáp (37,3%); 14 trường hợp bị suy giáp (12,7%) và 55 trường hợp vẫn còn cường giáp (50%) (p = 0,82). Không ghi nhận các biến chứng do điều trị bằng 131I.
Các triệu chứng của hội chứng cường giáp cải thiện rõ rệt.
TSH tăng (6,59 µIU/ml) so với trước (0,01 µIU/ml) (p = 0,001); FT3 (14,20 pmol/l) giảm so với trước (22,52 pmol/l) (p = 0,0001); FT4 (37,42 pmol/l) giảm so với trước (53,42 pmol/l) (p = 0,0001); TRAb (26,38 IU/ml) tăng so với trước (18,48 IU/ml) (p = 0,0001)
Thể tích tuyến giáp (17,13 ml) giảm so với trước (25,36 ml) (p = 0,0001); tốc độ đỉnh tâm thu động mạch giáp trên (38,81 cm/s) giảm so với trước (63,80 cm/s) (p = 0,0001); tốc độ đỉnh tâm thu động mạch giáp dưới (42,94 cm/s) giảm so với trước (67,53 cm/s) (p = 0,0001)
Độ tập trung 131I tuyến giáp thời điểm 24 giờ (52,82%) giảm so với trước (75,73%) (p = 0,0001).
Giá trị dự báo nguy cơ suy giáp sớm sau 6 tháng điều trị Basedow bằng 131I: Thể tích tuyến giáp trên siêu âm trước điều trị < 17,45 ml (diện tích dưới đường cong 0,79; độ nhạy: 0,80 và độ đặc hiệu: 0,71); tổng liều điều trị 131I < 5,45 mCi (diện tích dưới đường cong 0,69; độ nhạy: 0,69 và độ đặc hiệu là 0,79) và liều điều trị 131I/ml tuyến giáp > 315,83 µCi (diện tích dưới đường cong 0,79; độ nhạy: 0,79 và độ đặc hiệu: 0,74).
Kết quả phân tích hồi quy logistic ghi nhận nhóm có liều điều trị 131I/ml tuyến giáp > 250 µCi có tỷ lệ bình giáp – suy giáp gấp 4,5 lần so với nhóm có liều ≤ 250 µCi (p = 0,02).
Kết luận:
Điều trị Basedow bằng iod phóng xạ có hiệu quả, ít biến chứng. Liều điều trị 131I/ml tuyến giáp trong khoảng 250 - 315,83 có tỷ lệ đáp ứng điều trị cao và giảm nguy cơ suy giáp sớm. Cần tiếp tục nghiên cứu để xác định liều 131I tối ưu trong điều trị Basedow.