Để tăng năng suất cây trồng và hoa màu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật là một biện pháp cần thiết. Hóa chất bảo vệ thực vật gồm các hóa chất trừ sâu bệnh, trừ chuột, trừ cỏ dại và xông hơi kho tàng... đã và đang được sử dụng ở nước ta nhiều năm nay có kết quả tốt. Song các loại hóa chất này ít nhiều đều độc với người, với các vật nuôi và môi trường sống. Có những loại hóa chất khi nhiễm phải một lượng nhỏ thì chưa xảy ra nhiễm độc cấp tính ngay, nhưng nếu bị nhiễm nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể và dần dần gây nhiễm độc mạn tính nguy hiểm. Hóa chất bảo vệ thực vật là các hóa chất có độc tố, nên phải coi hóa chất bảo vệ thực vật là vật tư kỹ thuật đặc biệt, cần có một cơ chế quản lý hết sức nghiêm ngặt
Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thường không tuân thủ nghiêm ngặt theo phương châm 4 đúng: “Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách”. Vì vậy, nguy cơ nhiễm độc xảy ra đối với người nông dân trực tiếp sử dụng là rất lớn
Cát Tiên là huyện phía nam của tỉnh Lâm Đồng. Diện tích tự nhiên 42657 ha, trong đó đất nông nghiệp 11582 ha, đất lâm nghiệp 28295 ha. Dân số 37500 người, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, là vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Để góp phần vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho nông dân trực tiếp sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và đề xuất những biện pháp phòng chống phù hợp với thực tế. Trong đó, cần phải có những giải pháp đồng bộ về quản lý, cung cấp và sử dụng an toàn hóa chất bảo vệ thực vật để hạn chế những nguy cơ nhiễm độc tại các vùng nông thôn tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tình hình nhiễm độc mãn tính đối với sức khỏe nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng năm 2010 ”, nhằm mục tiêu:
1. Mô tả kiến thức, thái độ, thực hành của nông dân về phòng chống nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
2. Tìm hiểu các triệu chứng/dấu hiệu nhiễm độc mãn tính; xác định hoạt tính men cholinesterase trong máu của nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật gốc photpho hữu cơ, cacbamat và một số yếu tố liên quan tại địa bàn nghiên cứu.