Cuộc cách mạng sản xuất tiếp theo kế thừa sự hội tụ của các công nghệ, từ các công nghệ số (như in 3D, Internet vạn vật và người máy tiên tiến) đến các loại vật liệu mới (sinh học hay nano) cho tới các quy trình mới (như sản xuất dựa vào dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và sinh học tổng hợp). Một số công nghệ này đã được ứng dụng vào sản xuất, trong khi những công nghệ khác sẽ xuất hiện trong một tương lai gần. Khi các công nghệ này biến đổi sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ, chúng sẽ tạo ra những hệ quả rộng lớn về năng suất, kỹ năng, phân phối thu nhập, phúc lợi và môi trường. Tất cả các công nghệ này đang phát triển nhanh chóng, do đó các chính phủ càng hiểu rõ về cách thức sản xuất có thể phát triển, họ sẽ càng có cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho những rủi ro và gặt hái những lợi ích mà các công nghệ này mang lại.
Một loạt các chính sách, thể chế, công nghệ và các xu hướng lớn sẽ định hình tương lai của sản xuất. Ví dụ, điều kiện môi trường và sự khan hiếm ngày càng tăng của một số nguyên liệu sẽ làm gia tăng áp lực đòi hỏi việc sản xuất phải sử dụng hiệu quả vật liệu, nước và năng lượng. Việc tích lũy liên tục vốn nhân lực, có xu hướng tăng lên trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, có thể hỗ trợ sản xuất hàng hóa ngày càng sử dụng nhiều tri thức. Nhân khẩu học sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm nào mà người tiêu dùng có nhu cầu nhiều nhất cũng như địa điểm sản xuất, trong khi nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến địa điểm sản xuất, từ sự bất ổn chính trị ở một số nơi trên thế giới cho đến mô hình thời tiết.