Đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển lâu dài, bền vững đối với bất cứ một nền kinh tế nào. Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá về công nghệ, tích hợp và kết nối internet đang diễn ra mạnh mẽ. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Để bắt kịp cuộc cách mạng này, ngoài sự nỗ lực từ mỗi doanh nghiệp, cần có các chính sách ưu đãi về đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN). Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho KHCN là giải pháp vô cùng cần thiết để phát triển KHCN nước nhà, trong đó Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (Quỹ KHCN) địa phương được xem là một trong những phương thức phù hợp để đầu tư.
Để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất, trong năm 2020, Quỹ KHCN tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ Công ty TNHH Nông trại Du lịch Canh nông Kiến Huy (Công ty) đầu tư dự án nâng cấp hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Công ty đóng trên địa bàn huyện Lạc Dương - huyện có nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi về đất đai và khí hậu; đồng thời, với lợi thế là đơn vị được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh công nhận mô hình Du lịch canh nông năm 2018, được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020 (theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 14/01/2020), Công ty đã mạnh dạn đầu tư dự án Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch canh nông tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là gần 12 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ưu đãi từ Quỹ KHCN là 3 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty đã đầu tư hệ thống điều khiển thông minh, thiết bị hỗ trợ tự động hóa, phần mềm quản lý qua internet… để phục vụ các tour trải nghiệm sản xuất nông nghiệp thực tế cho du khách, góp phần xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch canh nông. Dự án này đã và đang tạo việc làm cho khoảng 40 công nhân lao động tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế.
Việc áp dụng hệ thống IoT vào sản xuất giúp tiết kiệm nguồn nước; giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua việc liên kết với các đơn vị du lịch để tổ chức các tour trải nghiệm không những góp phần nâng cao thu nhập cho Công ty, hộ dân liên kết mà còn phục vụ du khách, góp phần phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt, Lâm Đồng - ngày càng mạnh mẽ hơn.
Một số hình ảnh thiết bị IoT đầu tư trong dự án

Cảm biến đo độ ẩm và EC trong đất

Cảm biến đo lượng nước và EC thoát ra trong canh tác nhỏ giọt giá thể

Bộ điều khiển tưới và pha phân bón tự động theo pH/EC qua internet

Bộ cảm biến vi khí hậu giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong nhà kính

Bộ điều khiển tưới (bơm và van) qua intern

Trạm thời tiết giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mưa và gió