Khuyến nghị của Liên hợp quốc về đạo đức, an toàn và trách nhiệm trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Bản tin chiến lược số 5/2024
Xem/ Mở
Năm
2024Tác giả
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia
Bản ghi dữ liệu đầy đủ
Hiển thị đầy đủ bản ghiTrích yếu
Thời gian qua, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có bước phát triển nhanh và đột phá ở trên thế giới và Việt Nam, tuy nhiên, việc quản lý AI, phát triển các sản phẩm AI có đạo đức, có trách nhiệm là vấn đề đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm, tham gia tìm phương án giải quyết, gồm cả Liên hợp quốc, trong đó có vai trò đặc biệt của Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, chính quyền liên bang đang thúc đẩy các nhà lập pháp hoàn thiện hành lang pháp lý về AI trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói cảnh báo về những rủi ro trong việc sử dụng công nghệ này. Tháng 10/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ban hành Sắc lệnh về phát triển và sử dụng AI an toàn và đáng tin cậy của Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu những rủi ro mà công nghệ AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Tháng 11/2023, Hoa Kỳ, Anh và hơn 10 quốc gia khác đã công bố một thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên về cách thức bảo vệ an toàn cho AI, đồng thời thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống AI “an toàn ngay từ trong thiết kế”. Ngày 13/3/2024 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua Luật Trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Gần đây nhất, lần đầu tiên, Liên hợp quốc đưa AI vào thảo luận để đưa ra nghị quyết với các khuyến nghị sử dụng AI an toàn và có trách nhiệm. Ngày 21/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI nhằm thúc đẩy các hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy", mang lại lợi ích phát triển bền vững cho tất cả mọi người, kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Đây là lần đầu tiên Hội đồng thông qua một nghị quyết về quản lý lĩnh vực mới nổi. Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý do Hoa Kỳ đề xuất và được hơn 120 quốc gia khác đồng bảo trợ. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Trước đó, ngày 23/11/2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Khuyến nghị về Đạo đức AI.
Bản tin này sẽ giới thiệu những nội dung chính của Nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI và Khuyến nghị về Đạo đức AI của Liên hợp quốc.