Năng lượng sinh học: rào cản phát triển và chính sách tháo gỡ hiện nay. Tổng luận số 5/2024
Năm
2024Tác giả
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia
Bản ghi dữ liệu đầy đủ
Hiển thị đầy đủ bản ghiTrích yếu
Năng lượng sinh học, bao gồm cả sinh khối truyền thống, hiện chiếm phần lớn (2/3) năng lượng tái tạo được sử dụng trên toàn thế giới. Sự gia tăng trong sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, từ Phát thải carbon thấp sang Phát thải ròng bằng 0.
Việc triển khai năng lượng sinh học hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng. Mặc dù nhiều công nghệ đã có sẵn và việc sử dụng sinh khối cũng như nhiên liệu sinh học lỏng tăng đáng kể ở một số khu vực, hàng tỷ người vẫn phụ thuộc vào sinh khối truyền thống kém hiệu quả để nấu ăn và sưởi ấm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn góp phần vào nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản 1,50C của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), sản xuất năng lượng sinh học cần phải tăng đáng kể vào năm 2050 để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 1,50C. Việc đẩy nhanh tiến độ sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết vấn đề sử dụng sinh khối truyền thống bằng cách thúc đẩy chuyển đổi sang nhiên liệu bền vững thay thế, đồng thời phát triển các chính sách sử dụng sinh khối đầy tham vọng được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư lớn.
Hiện thực hóa sử dụng năng lượng sinh học trong quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là một thách thức lớn. Đối với các nhà hoạch định chính sách, năng lượng sinh học là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều bên và nhiều vấn đề hơn hầu hết các hình thức năng lượng tái tạo khác. Nó tương tác với nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và quản lý chất thải và có thể có tác động tiêu cực nếu chuỗi cung ứng không được quản lý đúng cách.
Thương mại quốc tế năng lượng sinh học đã làm tăng thêm sự phức tạp trong việc quản lý tính bền vững. Viên gỗ nén, dầu diesel sinh học và ethanol sinh học là những mặt hàng chính được sản xuất bởi các quốc gia ở Bắc, Nam Mỹ và châu Á, trong khi các nước châu Âu là điểm đến chính của hầu hết các mặt hàng này để hỗ trợ các mục tiêu giảm phát thải carbon của họ. Nhiều yếu tố thúc đẩy hoạt động thương mại năng lượng sinh học đã kích hoạt việc áp dụng các chứng nhận và quy định cũng như nhiều bên liên quan tham gia để giải quyết các vấn đề bền vững.
Bảo đảm tính bền vững của năng lượng sinh học dọc theo chuỗi cung ứng, đặc biệt là sinh khối, là yếu tố cơ bản nhất trong hoạch định chính sách năng lượng sinh học. Tổng luận“Năng lượng sinh học: Rào cản phát triển và chính sách tháo gỡ hiện nay” được biên soạn nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực phức tạp này. Mặc dù không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả, các chính sách và biện pháp cần phải phù hợp với bối cảnh và dựa trên sự tham gia của các bên liên quan khác nhau. Khung chính sách năng lượng sinh học bền vững cần bao gồm việc thiết lập mục tiêu và kế hoạch dài hạn dựa trên tính bền vững, lập kế hoạch phối hợp giữa các Bộ ngành, ban hành các quy định, chương trình chứng nhận và thiết lập quan hệ đối tác. Hơn nữa, các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ hoạch định chính sách năng lượng sinh học.