Khoa học và công nghệ Việt Nam 2014
Trích yếu
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với bước tiến như vũ bão diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra cơ hội hết sức thuận lợi để các nước, nhất là các nước đang phát triển, tranh thủ và đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển. Trong khi đó, bối cảnh trong nước cho thấy chỉ số kinh tế tri thức còn thấp; tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, tốc độ đổi mới công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng thấp; mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo đã không còn thích hợp. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức.
Các cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ đã từng bước được đổi mới, hướng vào phát huy hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hi, thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020. Để thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW và các quy định của Luật khoa học và công nghệ năm 2013, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bao gồm các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã được ban hành trong năm 2014.
Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực: tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thông tin, xây dựng... Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được tiếp tục hoàn thiện; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Để khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ; tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, hướng tới mục tiêu đầu tư toàn xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 2% GDP vào năm 2020. Các chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, thu hút nguồn nhân lực và chuyên gia quốc tế tham gia vào các dự án khoa học và công nghệ của Việt Nam cần được triển khai tích cực.
Nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các nhà quản lý khoa học và công nghệ, các nhà nghiên cứu và xã hội về hoạt động khoa học và công nghệ của nước nhà, “Khoa học và công nghệ Việt Nam 2014” kế thừa và bổ sung những nội dung của cuốn sách “Khoa học và công nghệ Việt Nam 2013”, tiếp tục hoàn chỉnh bức tranh khoa học và công nghệ của Việt Nam, hy vọng sẽ là nguồn thông tin quan trọng đóng góp cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia xin chân thành cảm ơn các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.
Thuộc danh mục
- Sách [36102]