Khoa học và công nghệ thế giới - Kinh nghiệm và định hướng chiến lược năm 2000
Trích yếu
Nếu nguồn năng lượng phát triển chủ yếu của Thiên niên kỷ thứ nhất là than đá, sức gió, sức nước, sức mạnh cơ bắp của người và gia súc, thì tới gần cuối Thiên niên kỷ thứ hai - đó là dầu khí, máy hơi nước, điện, năng lượng nguyên tử phân hạch. Hiện nay, nhân loại đang tiến vào Thiên niên kỷ thứ ba dựa trên nền tảng các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô, công nghệ năng lượng hạt nhân tổng hợp nhiệt hạch v.v..
Trong Thiên niên kỷ thứ ba, từ vị trí đi sau kinh nghiệm ở hai thiên niên kỷ đầu, khoa học và công nghệ đã trở thành động lực phát triển hàng đầu của nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới. Sau khi đưa tư duy con người thâm nhập vào cấp độ thứ tư của vật chất - cấp dưới mức hạt cơ bản, khoa học đã trở thành lực lượng dẫn đường và là lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế toàn cầu hoá. Nền "Khoa học nhỏ" trên quy mô một nước và lục địa, xuất hiện vào nửa sau Thiên niên kỷ thứ hai, bước sang Thiên niên kỷ mới, đã trở thành nền "Khoa học lớn", phát triển cực kỳ mạnh mẽ và trên quy mô toàn cầu, với sự tham gia hợp tác của một đội ngũ đông đảo và hùng hậu của các cán bộ làm công tác nghiên cứu và phát triển, cũng như của các trung tâm nghiên cứu lớn, phòng thí nghiệm lớn, các nhà khoa học có uy tín của nhiều nước trên thế giới. Kết quả, phương thức tổ chức quản lý trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đã có sự thay đổi căn bản. Trên thực tế, cơ cấu tổ chức quản lý nền sản xuất xã hội từ cấu trúc hình tháp đã chuyển sang cấu trúc hình mạng. Điều đó đã tạo tiền đề chuyển giao nhanh chóng các kết quả nghiên cứu cơ bản vào phát triển công nghệ và hình thành nên các Hệ thống đổi mới quốc gia và khu vực.
Vào cuối thế kỷ XX, bản đồ địa-chính trị thế giới đã thay đổi về căn bản với sự thăng trầm của nhiều cường quốc. Một trong những nguyên nhân sâu xa nằm ở vị trí ưu tiên của khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển của những nước này.
Bước vào thế kỷ XXI, để giành những vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau, nhiều nước phát triển và đang phát triển đã đều chú trọng và tăng cường đầu tư vào phát triển khoa học và công nghệ, cũng tập trung xây dựng và triển khai chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ quốc gia.
Để tìm hiểu nguyên nhân thành bại trong quá trình phát triển mới đây của một số nước trên thế giới và trong khu vực, Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc chuyên khảo "Khoa học và công nghệ thế giới - Kinh nghiệm và định hướng chiến lược".
Cuốn sách gồm 2 phần chính. Phần 1 tập trung phản ánh khung cảnh phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới kể từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Phần 2 giới thiệu khoa học và công nghệ của một số nước và vùng lãnh thổ. Để thuận tiện cho việc khảo cứu các kinh nghiệm của từng khu vực, nước và vùng lãnh thổ cụ thể, các tư liệu được hệ thống hóa nhằm nêu bật các quan điểm, các chiến lược, chính sách phát triển khoa học và công nghệ và điểm lại các chương trình, dự án và kế hoạch khoa học và công nghệ quan trọng của các nước và vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy phát triển bằng khoa học và công nghệ.
Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ cũng được đề cập và phân tích như một chiến lược hội nhập quan trọng của các nước trong thời đại toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay.
Do biên soạn trong một thời gian hạn chế, nên chuyên khảo này sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên, những tư liệu được giới thiệu ở đây chắc chắn sẽ là những thông tin bổ ích đối với bạn đọc.
Thuộc danh mục
- Sách [36102]